Những điều cần biết về chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA

3639
Do hiện nay nhu cầu tìm hiểu thông tin về chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA của các bạn sinh viên là rất cao, và hiện trên FB các thông tin chia sẻ về chương trình này của Khoa là chưa chính xác nên Khoa Kế toán – Kiểm toán sẽ dành post này để giới thiệu với các em nhé:
ACCA là tên viết tắt của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (Association of Chartered Certified Accountants). Đây là một hiệp hội nghề nghiệp được hình thành từ rất lâu (năm 1904) và có uy tín lớn trên thế giới. Chương trình sẽ giúp học viên nắm vững nền tảng lý thuyết và kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Do đó, bằng cấp ACCA được công nhận rộng rãi và có giá trị lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, các công ty kiểm toán nước ngoài.
Chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA là chương trình đầu tiên được ACCA triển khai tại các trường đại học ở Việt Nam, vì vậy, sinh viên theo học chương trình này sẽ có nhiều cơ hội nhận được các hỗ trợ của nhà trường và ACCA, như học bổng ACCA, cơ hội được ACCA giới thiệu việc làm, tham gia các hoạt động do ACCA tổ chức cho các sinh viên xuất sắc của các trường ĐH, kết nối được với hệ thống Cựu học viên…
1. Chương trình học
Chương trình học ACCA bao gồm 13 môn học, trong đó có 03 môn kiến thức (F1 – F3), 06 môn kỹ năng (F4 – F9) và 04 môn chuyên nghiệp, chủ yếu trong 3 lĩnh vực: kế toán, kiểm toán, tài chính. Nội dung chương trình đào tạo Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA là việc giảng dạy các môn từ F1 đến F9 trong chương trình ACCA vào trong chương trình cử nhân Kế toán – Kiểm toán trường đại học Ngoại Thương. Các sinh viên theo học chương trình này sẽ được áp dụng các cơ chế sau:
– Học tại trường và thi các kỳ thi nội bộ được tổ chức và lấy điểm bởi trường Đại học Ngoại thương 3 môn kiến thức (F1, F2, F3) và 2 môn kỹ năng (F4, F6) của chương trình ACCA.
– Học tại trường và đăng ký thi với ACCA trong kỳ thi chung các môn học F5, F7, F8, F9.
– Tất cả các tài liệu, giáo trình của 9 môn theo chuẩn quốc tế, bằng tiếng Anh, có tính cập nhật cao.
Các môn học trên tương ứng với các môn học của chứng chỉ quốc tế ACCA như sau:
Các môn học ACCA cấp độ cơ bản (các môn F – Fundamental Level) các em sẽ được đào tạo tại trường và học toàn bộ bằng Tiếng Anh nhé.
Các môn kiến thức (Applied Knowledge):
• AB- F1 – Kế toán trong kinh doanh
• MA- F2 – Kế toán quản trị
• FA- F3 – Kế toán tài chính
Các môn kỹ năng (Applied Skills):
• LW- F4 – Luật kinh doanh và luật doanh nghiệp (Việt Nam)
• PM- F5 – Quản trị hiệu suất
• TX- F6 – Thuế (Việt Nam)
• FR- F7 – Báo cáo tài chính
• AA- F8 – Kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo
• FM- F9 – Quản trị tài chính
Các môn học ACCA cấp độ chuyên nghiệp (Professionals) gồm 04 môn trong đó có 2 môn bắt buộc là:
• SBL: Lãnh đạo chiến lược doanh nghiệp
• SBR: Báo cáo chiến lược doanh nghiệp
2 môn tự chọn trong 4 môn sau:
• AFM – Quản trị tài chính nâng cao
• APM – Quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả nâng cao
• ATX – Thuế nâng cao
• AAA – Kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo nâng cao
2. Làm thế nào để chinh phục được ACCA?
Điều kiện để pass mỗi môn F thì điểm phải từ 50% trở lên. Chỉ cần hoàn thành 3 môn của cấp độ Applied Knowledge các em sẽ được nhận Chứng chỉ Kế toán và Kinh doanh (Diploma in Accounting and Business). Còn nếu muốn rinh Chứng chỉ Kế toán và Kinh doanh nâng cao (Advanced Diploma in Accounting and Business) các em cần chinh phục thêm các môn cấp độ Applied Skills. Cuối cùng là điều kiện để được cấp chứng chỉ chuyên nghiệp (Professional Level Certificate) là em hoàn thành hết 13 môn thi của chương trình ACCA đồng thời có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế ngân hàng và vượt qua bài kiểm tra đạo đức nghề nghiệp trực tuyến. Nói chung rằng để chinh phục ACCA là một con đường gian truân nhưng em cần hiểu là mọi công sức đều được bù đắp nha.
3. Bằng cấp
Khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, các em sẽ có cơ hội nhận được các tấm bằng sau:
– Bằng Cử nhân ngành Kế toán, chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán.
– Chứng chỉ về Kế toán và Kinh doanh nâng cao (Advanced Diploma in Accounting and Business) của ACCA sau khi hoàn thành 9 môn cấp độ Applied Knowledge và Applied Skills của chương trình ACCA.
– Bằng Cử nhân Kế toán Ứng dụng của trường đại học Oxford Brookes (Anh Quốc) sau khi hoàn thành 9 môn cấp độ Applied Knowledge và Applied Skills của chương trình ACCA và viết một bài luận văn 9.500 từ. Bằng Cử nhân này cho phép các tân cử nhân có thể tiếp tục học tập các chương trình thạc sĩ ở Anh Quốc.
4. Cơ hội nghề nghiệp với ACCA
Với tấm chứng chỉ ACCA em có thể thử sức mình ở những tập đoàn lớn hiện nay như Big 4 kiểm toán:
• PricewaterhouseCoopers (PWC)
• Deloitte (Deloitte)
• Ernst and Young (E&Y)
• KPMG
Nhưng nếu các em nghĩ rằng học Kế toán kiểm toán ACCA thì chỉ có thể làm Kế toán hoặc Kiểm toán thì các em lầm rồi nhé. Với lượng kiến thức rộng lớn bao trùm nhiều lĩnh vực thì ngoài kế toán hoặc kiểm toán viên thì các em vẫn có thể đảm nhiệm các vai trò quản lý trong doanh nghiệp, một số vị trí có thể kể đến như:
• Giám đốc điều hành (CEO)
• Giám đốc tài chính (CFO)
• Kiểm toán viên
• Tư vấn thuế
• Trưởng phòng tài chính/ quản trị doanh nghiệp
• Các vị trí kiểm soát và quản lý ngân sách
• Các vị trí chủ chốt tại các ngân hàng (CFO, Risk management, trưởng phòng Treasury) …
Thực tế là chỉ có khoảng 30% thành viên ACCA làm kiểm toán, 70% còn lại làm cho các doanh nghiệp, làm trong các dịch vụ tài chính hoặc trong các cơ quan ban ngành của chính phủ (số liệu từ ACCA).
5. Một số lưu ý khác về chương trình học
• Trong quá trình học tập, các em sẽ có cơ hội được tiếp cận các chương trình vô cùng hữu ích về doanh nghiệp như Office Tour – thăm quan doanh nghiệp hay các chương trình thực tập tại các doanh nghiệp kiểm toán hàng đầu tại Việt Nam…
• Ngoài ra, khi theo học chương trình, các em còn được ưu tiên trong các chương trình tuyển dụng của các công ty kế toán, kiểm toán và các doanh nghiệp lớn có hợp tác với Khoa Kế toán – Kiểm toán.
• Có cơ hội nhận được nhiều suất học bổng có giá trị đến từ các đối tác của Khoa và Nhà trường.
• Có cơ hội tham gia các hội thảo, tọa đàm chuyên môn chuyên nghiệp
• Được các thầy cô, anh chị cựu sinh viên, sinh viên trong trường hỗ trợ. Đặc biệt, câu lạc bộ CFAA – CLB Kế toán Kiểm toán viên tương lai là câu lạc bộ được Khoa Kế toán – Kiểm toán bảo trợ về mặt chuyên môn và luôn đồng hành cùng Khoa trong các sự kiện lớn về chuyên ngành kế toán – kiểm toán.